-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tác dụng của việc Cứu ngải
Đăng bởi Phúc Thành vào lúc 15/12/2022
Phương pháp cứu ngải (châm cứu bằng ngải cứu) là một trong những liệu pháp điều trị bệnh hiệu quả từ lâu đời của Đông y.
Phương pháp cứu ngải là gì?
Các phương pháp nhiệt trị liệu các trường hợp đau, liệt ngày nay rất phổ biến. Một số kỹ thuật thường được áp dụng hiện nay là đèn hồng ngoại, chườm ấm, nhúng paraffin… Đông Y từ ngàn xưa cũng đã áp dụng nhiệt trị liệu thông qua phương pháp cứu.
Sức nóng từ phép cứu tác động cụ thể đến một huyệt vị, một đường kinh nhất định.
Cứu là dùng sức nóng tác động vào các huyệt vị, đường kinh. Cứu trong thời gian dài hay ngắn, ấm hay nóng tùy thuộc tình trạng bệnh lý. Khác với các phương pháp hiện đại dùng nhiệt tác động lên một vùng cơ thể.
Ngải cứu khi cháy đỏ tạo ra sức nóng từ 500 - 6000C, thuộc thành phần tia hồng ngoại trong dải quang phổ. Khi được giữ ở khoảng cách phù hợp bên trên làn da thì mồi ngải không tạo ra bất cứ cảm giác khó chịu nào, không để lại dấu vết gì trên da.
Mục đích
Tác dụng chính của phương pháp cứu ngải là điều khí, khai thông huyệt đạo đang bị tắc trở, nhằm phòng và điều trị bệnh. Ngải cứu được hơ trên da tạo cảm giác nóng nhưng dịu, không bỏng rát. Sức nóng vào sâu đến huyệt tạo cảm giác thoải mái. Bên cạnh đó, mùi hương đặc trưng của ngải cứu còn có tác dụng an thần, định tâm. Theo Y học hiện đại, việc thay đổi nhiệt độ trên da tạo một cung phản xạ mới, giúp ức chế cung phản xạ “bệnh lý” trước đó.
Cứu ngải hỗ trợ điều trị những chứng bệnh nào?
Y học cổ truyền coi hai phương pháp châm và cứu có tầm quan trọng ngang nhau. Châm thường sử dụng trong điều trị bệnh thuộc thực (mới bị bệnh), bệnh thuộc nhiệt (nóng); cứu thường sử dụng trong bệnh lý thuộc hư (bệnh đã lâu), bệnh thuộc hàn (lạnh). Theo học thuyết âm dương, nếu gọi châm là dương thì cứu là âm, cho nên cứu chịu nửa phần trách nhiệm trong việc trị bệnh. Cứu ngải hỗ trợ điều trị các bệnh sau:
- Cách bệnh thuộc hàn chứng như: người lạnh, tay chân lạnh, người hay sợ lạnh, hay bị lạnh bụng, viêm phế quản, hen suyễn, ho do lạnh, đau bụng kinh thể hàn và thể huyết ứ,…
- Các bệnh thuộc hư chứng như: người mệt mỏi, cơ thể suy nhược, thở hụt hơi, tiêu hóa kém, tiêu chảy kéo dài, đi tiêu phân sống, viêm đại tràng, hạ huyết áp, tiểu đêm, thận dương hư, dễ bị cảm, hay đổ mồ hôi tay-chân,…
- Các chứng đau như: đau do căng cơ, đau do thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm, viêm khớp, đau do rối loạn tiêu hóa,…
- Mất ngủ, ngủ không ngon giấc, rối loạn kinh nguyệt, bệnh lý dạ dày tá tràng, tăng cường sức đề kháng để chống lại bệnh tật,…
Chỉ định
Phương pháp cứu ngải (châm cứu bằng ngải cứu) dùng sức nóng là chủ yếu để điều hoà khí huyết trong kinh lạc. Theo lý luận Y học cổ truyền, bệnh có tính “Hàn” thì phải dùng “Nhiệt” để chữa. Cứu là một trong những cách hiệu quả nhất để đem nhiệt vào cơ thể. Vì thế, chỉ định của phép cứu phù hợp với tất cả các bệnh lý hoặc rối loạn thể “Hàn” theo Đông Y. Các bệnh lý này bao gồm thực hàn và hư hàn.
- Thực hàn: bệnh lý sinh ra do nhiễm khí lạnh, thời tiết lạnh, đồ ăn sống lạnh vào cơ thể. Thuộc nhóm này có thể kể đến: đau và co cơ do lạnh, liệt dây thần kinh VII ngoại vi do lạnh, tiêu chảy phân sống …
- Hư hàn: Đông Y có câu “Dương hư sinh Hàn”. Bệnh lý nhóm hư Hàn do khí huyết kém, sinh ra chứng tay chân lạnh, hay bị tiêu chảy, hay tự đổ mồ hôi … Các nhóm bệnh lý sinh dục thể Hàn như rối loạn kinh nguyệt ở nữ; di tinh, liệt dương ở nam.
Chống chỉ định
Phương pháp cứu ngải không được áp dụng cho một số trường hợp sau:
- Các bệnh lý được chẩn đoán thể “Nhiệt” theo Đông Y.
- Bệnh nhân bị dị ứng với một số miếng lót ngải như gừng, tỏi …
- Không cứu bỏng, cứu gián tiếp ở một số vùng liên quan thẩm mỹ và chức năng cao như vùng mặt, vùng mắt, các vùng khớp.
Cứu ngải bằng điếu ngải
Cứu điếu ngải: tay thầy thuốc cầm điếu ngải hơ trên huyệt đạo của người bệnh
Cứu điếu ngải: ngải cứu được chế thành điếu hình trụ dài, khi đốt cháy một đầu, tay thầy thuốc cầm điếu ngải hơ trên huyệt đạo của người bệnh. Có 4 cách đốt điếu ngải chữa bệnh như sau:
- Cứu điếu ngải để yên (cứu ấm): đốt đầu điếu ngải, hơ trên huyệt, cách da độ 2cm. Khi người bệnh thấy nóng thì cách xa dần ra, đến mức nào người bệnh thấy nóng ấm và dễ chịu thì giữ nguyên khoảng cách đó cho đến khi vùng da được cứu hồng lên là được (thường 1 - 3 phút cho 1 huyệt và khoảng 15 -20 phút cho 1 lần điều trị). Khi cứu nên dùng ngón tay út, đặt lên da làm điểm tựa để cố định khoảng cách đầu điếu ngải với da. Cách cứu này dùng cho mọi chỉ định của cứu.
- Cứu xoay tròn: đặt diếu ngải cách da 2cm khoảng đủ thấy nóng ấm, rồi từ từ di chuyển điếu ngải theo vòng tròn, từ hẹp tới rộng. Khi người bệnh thấy nóng đều vùng định cứu là được. Thường kéo dài khoảng 20 phút/ lần điều trị. Cách cứu này hay dùng để chữa các bệnh ngoài da.
- Cứu điếu ngải lên xuống (cứu mổ cò): đưa đầu điếu ngải lại gần sát da (người bệnh có cảm giác nóng rát) rồi lại kéo điếu ngải xa ra, làm như thế nhiều lần, thường cứu trong khoảng 1-3 phút/ huyệt và 20 phút cho lần điều trị. Cách cứu này thường dùng cho chứng thực và trong chữa bệnh cho trẻ em.
- Cứu nóng: Dùng điếu ngải ngắn khoảng 2 – 3 cm. Đốt gián tiếp qua 1 lát gừng, 1 lát tỏi, nhúm muối hoặc kim châm cứu trên da. Tuỳ thuộc vào vật dẫn mà phép cứu này có tác dụng khác nhau. Cứu qua gừng giúp ôn trung tán hàn, cứu qua tỏi giúp tiêu viêm trừ độc, cứu qua kim giúp nhiệt đưa vào sâu hơn…
Thời gian: thời gian cứu trên một huyệt đạo từ 1 - 3 phút; cứu 1 lần 15 - 20 phút. Cứu 1 - 2 lần/ngày, liệu trình 10 - 12 ngày hoặc lâu hơn tùy thuộc sự đáp ứng của từng bệnh nhân. Hầu như không có có hiện tượng bị lờn, nghiện đối với phương pháp cứu, cứu hỗ trợ cơ thể lập lại sự quân bình âm dương.
Hiện nay, có rất nhiều dụng cụ hỗ trợ cho phép cứu để nó trở nên an toàn và dễ ứng dụng. Một số dụng cụ phổ biến trên thị trường như máy ngải cứu, đệm ngải cứu, hộp xông ngải cứu…
Máy xông hỗ trợ người bệnh áp dụng phép cứu cách an toàn và hiệu quả
Lưu ý khi sử dụng phương pháp cứu ngải
- Thầy thuốc khi cứu cần lựa chọn tư thế đúng, phù hợp, bộc lộ rõ phần được cứu. Tốt nhất, vùng được cứu cần hướng lên trên, mặt da nằm ngang.
- Bệnh nhân cần phải thoải mái trong suốt thời gian cứu.
- Khi cứu, thầy thuốc cần tập trung vào điếu ngải và vị trí cần cứu. Tránh làm bỏng, rơi tro cứu lên người bệnh. Tốt nhất nên đặt tay còn lại cùng với mặt da người bệnh để cảm nhận độ nóng. Đặc biệt tại các vùng da mặt, vùng gần khớp. Nếu bị bỏng có thể gây mất thẩm mỹ, mất chức năng do sẹo.
- Thời gian cứu chỉ từ 2 – 3 phút/huyệt. Không nên lạm dụng cứu quá nhiều ở 1 huyệt.
- Một số đối tượng có da mẫn cảm, đái tháo đường chưa kiểm soát nên hạn chế sử dụng.
- Tránh gió và nước khoảng 2 tiếng sau khi thực hiện phép cứu.
Cứu ngải là phương pháp điều trị bệnh độc đáo và có từ lâu đời của y học cổ truyền. Lợi dụng sức nóng kích thích vào các huyệt vị, giúp khai thông kinh lạc, điều hoà khí huyết. Bài viết nêu lên nguồn gốc, ý nghĩa và một số kỹ thuật, lưu ý khi ứng dụng phép cứu trong điều trị bệnh.