-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tai biến mạch máu não theo y học cổ truyền
Đăng bởi Đông Y Phúc Thành vào lúc 07/05/2020
Theo y học cổ truyền, tai biến mạch máu não nói chung và nhồi máu não nói riêng thuộc phạm vi chứng Trúng phong.
Liệt nửa người sau tai biến
Nguyên nhân trúng phong
Có thể do nhân tố bên ngoài (hư tà tặc phong) tác động đột ngột vào tạng phủ.
Cũng có thể do nhân tố bên trong do hỏa thịnh (thận thủy kiệt, tâm hỏa bốc mạnh gây nên, thuộc tâm, thận), phong dương (do thận âm hư, can dương vượng gây nội phong, thuộc can thận), đởm nhiệt (do thấp sinh đờm, đờm trở trệ sinh nhiệt, nhiệt thịnh sinh phong, thuộc tỳ vị).
Phong chia làm 2 loại là: ngoại phong và nội phong.
- Ngoại phong:
Theo Kim quỹ yếu lược, phong khí tuy có khả năng sinh vạn vật nhưng cũng có khả năng hại vạn vật. Do phong ở khắp mọi nơi, cả trên dưới nên khi gây bệnh thì làm bán thân bất toại (liệt nửa người).
Nguyên nhân trúng phong là do chính khí hư, biểu hiện của bệnh có nặng, có nhẹ, có nông, có sâu: “Kinh mạch hư không, phong tà thừa cơ xâm nhập gây chứng trúng phong, tùy theo bệnh nặng nhẹ mà biểu hiện chứng hậu ở kinh lạc hay tạng phủ”.
Theo Nội kinh – chương Sinh khí thông thiên luận cho rằng: “Phong đứng vào hàng đầu mối trăm bệnh. Nếu tấu lý bền kín, thời dù có gió độc cũng không làm gì được. Nghĩa là nhắc nhở nên phải bảo trọng dương khí để cho tấu lý được bền kín vì phong đi nhanh và biến hóa luôn, khi đã phạm tới cơ tấu, thời sẽ đi thẳng tới kinh mạch, tạng phủ mà sinh ra chứng thiên khô”.
Theo Linh Khu: “Hư tà xâm nhập nửa người, khu trú ở dinh vệ, dinh vệ hư suy thì chân khí tán mất, tà khí đóng lại phát thành chứng thiên khô”.
Theo Danh y Tuệ Tĩnh thì “Trúng phong là đầu các bệnh, biến hóa lạ thường và phát bệnh khác biệt, triệu chứng như thình lình ngã ngất, hôn mê bất tỉnh, miệng méo mắt lệch, sùi bọt mồm, bọt miếng, bán thân bất toại, nói năng ú ớ, chân tay cứng đờ không co duỗi được, các chứng trạng như thế đều là trúng phong cả”.
- Nội phong:
- Hỏa thịnh sinh phong: theo Nội kinh, các chứng phát nhiệt, mắt hoa, đầu óc mờ tối, tay chân co rút đều do hỏa mà ra. Thuyết hỏa thịnh của Lưu Hà Gian cho rằng: “Tâm hỏa thịnh, thận thủy hư, thủy không chế nổi hỏa ấy, tức là âm hư dương thực, nhiệt khí uất lên, tâm thần bị mờ choáng, gân xương yếu liệt rồi ngã lăn ra bất tỉnh” tức là trúng phong vốn do hỏa của tâm thịnh, thận thủy hư suy, thận hư không chế được hỏa mà thành ra âm hư hỏa vượng. Khí nóng uất lại, thần bị che lấp đến nỗi đột nhiên ngã ra không biết gì.
- Do khí hư: theo Lý Đông Viên (1180-1251), tuổi ngoài tứ tuần, buồn giận thương khí, hoặc người béo hình thịnh mà khí hư. Như vậy, Lý Đông Viên cho rằng chứng trúng phong có liên quan đến tuổi và thể chất.
- Do đàm nhiệt: Chu Đan Khê (1281-1358) với học thuyết thấp đàm cho rằng ở miền Tây Bắc là khí lạnh thì bị trúng phong là thực, miền Đông Nam khí ôn nhiều thấp, thấp thổ sinh đàm, dần dần sinh nhiệt, nhiệt cực sinh phong. Ăn uống không điều độ, lao lực quá sức, tỳ không kiện vận, thấp tụ sinh đàm. Ông nêu nguyên nhân là nhiệt sinh phong, then chốt ở chỗ thấp thổ sinh đàm, đàm uất mà sinh nhiệt. Đàm nhiệt là một nguyên nhân chủ yếu của trúng phong nhưng trong thốt trúng phần nhiều thấy chứng trạng đàm trệ, khí bế, phong đàm, huyết ứ trở ngại, đàm thấp che lấp tâm khiếu.
- Do can thận âm hư: Diệp Thiên Sỹ đời Thanh (1644 - 1912) đề xuất nguyên nhân trúng phong là do dương khí trong thân thể biến động vì can là tạng thuộc phong, nếu tinh huyết suy kém, thủy không nuôi được mộc, mộc không tươi tốt, cho nên phần dương của can mạnh quá, dương vượng gây phong động. Nội phong thường nổi lên mà thành chứng trúng phong. Hoặc do phần âm của can kém, huyết hư sinh nhiệt. Nhiệt thì khí phong dương bốc lên, đường lạc của các khiếu bị nghẽn lấp, rồi ngã lăn ra thành trúng phong.
Phân loại
Trúng phong kinh lạc: không có sự thay đổi về thần chí, bệnh nhẹ, chân tay tê dại, yếu nửa người, nói khó, rêu lưỡi trắng, mạch phù sác.
Trúng phong tạng phủ: bệnh xuất hiện đột ngột, liệt nửa người, có hôn mê. Gồm hai chứng:
- Chứng bế: người bệnh đột nhiên hôn mê, ngã ra, bất tỉnh, hàm răng mím chặt, miệng mím chặt, hay bàn tay nắm chặt, da mặt đỏ, chân tay ấm, mạch huyền hữu lực.
- Chứng thoát: người bệnh hôn mê bất tỉnh, mắt nhắm, miệng há, tay chân lạnh, ra mồ hôi nhiều, đại tiểu tiện mất tự chủ, người mềm, lưỡi rụt, mạch trầm huyền vô lực.
Sinh lý – bệnh lý của não
Não là một trong sáu phủ kỳ hằng. Phủ kỳ hằng là do tác dụng của những phủ ấy khác với những tạng phủ khác trong cơ thể con người. “Kỳ hằng” có nghĩa là khác thường. Sách Tố Vấn – Ngũ tạng biện luận cho rằng: sáu thứ não, tủy, xương, mạch, đởm, tử cung là do địa khí sinh ra, đều tàng ở phần âm mà giống như đất, cho nên công năng giống như tạng, còn hình thái giống như phủ nên gọi là phủ kỳ hằng.
Theo Linh khu – Hải luận, não là bể của tủy, du huyệt của nó trên lên đến huyệt Bách hội ở đỉnh đầu, xuống dưới đến huyệt Phong phủ. Khi não tủy đầy đủ thì con người nhanh nhẹn, rắn rỏi, nhiều sức, nếu não tủy không đầy đủ thì đầu váng, tai ù, mỏi cổ, mắt hoa, nằm yên.
Thể bệnh thường gặp trên lâm sàng
Khi người bệnh qua giai đoạn cấp để lại di chứng liệt nửa người, bệnh lúc này thuộc phạm vi chứng Bán thân bất toại với hai thể thường gặp trên lâm sàng là:
- Can thận âm hư: bán thân bất toại, chân tay bên liệt tê dại, hay hoa mắt, chóng mặt, ù tai, mặt đỏ, phiền táo không yên, chất lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch huyền tế sác.
- Phong đàm: bán thân bất toại, miệng méo xệch, tay chân tê dại, nặng nề, lưỡi cứng, khó nói hoặc không nói được, rêu lưỡi trắng dày nhớt, mạch phù hoạt hoặc huyền hoạt.
PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y PHÚC THÀNH
|