-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Xu hướng kết hợp Đông y và Tây y trong khám chữa bệnh
Đăng bởi Phúc Thành vào lúc 21/08/2019
Những hạn chế về công cụ chẩn đoán trong y học cổ truyền hay tình trạng lạm dụng thuốc trong y học hiện đại sẽ được khắc phục tối đa với sự kế thừa và chắt lọc tinh hoa từ hai nền y học. Đông – Tây y phối kết hợp chính là xu thế phát triển tự nhiên và tất yếu của các nền y học trên thế giới.
“Đông y – Tây y như hai bàn tay người thầy thuốc”
Không chỉ châu Á, nhiều nước Âu, Mỹ đã bắt đầu xu hướng “trở về với tự nhiên” qua việc sử dụng ngày càng nhiều các loại thuốc có nguồn gốc cây cỏ hay các phương pháp điều trị của y học cổ truyền để dự phòng, chữa trị và nâng cao sức khỏe. Chỉ tính riêng ở Mỹ đã có khoảng 15 triệu người thường xuyên sử dụng các thuốc cây cỏ ở các mức độ khác nhau,với chi phí hàng năm lên tới 30 tỷ đô la.
Việt Nam có thể tự hào là một trong những quốc gia đi tiên phong xây dựng định hướng phát triển y học, y tế khoa học, đại chúng, kết hợp cổ truyền và hiện đại. Y học cổ truyền Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong nền văn hóa cộng đồng các dân tộc, gắn liền với kinh nghiệm phòng chữa bệnh có lịch sử lâu đời, có nguồn dược liệu phong phú, phù hợp với điều kiện khí hậu, bệnh tật con người Việt Nam.
Từ cách đây hơn nửa thế kỷ (1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định hướng phát triển ngành y tế Việt Nam hiện đại, khoa học, dân tộc, đại chúng, kết hợp chặt chẽ giữa hiện đại và cổ truyền. Chủ tịch nhấn mạnh, ông cha ta có nhiều kinh nghiệm quí báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta không kém gì thuốc tây. Ví dụ, thuốc ta có Sa nhân, Phụ tử chữa được nhiều bệnh, thuốc tây có aspirin, penixilin cũng chữa được nhiều bệnh. Bên nào cũng có ưu điểm, hai ưu điểm cộng lại thì chữa bệnh tốt cho đồng bào, nhân dân.
Do đó, thầy thuốc Tây phải học đông y, thầy thuốc ta cũng phải học thuốc tây. Thầy thuốc ta, thầy thuốc tây đều phải phục vụ nhân dân, như người có hai bàn tay cùng làm việc thì việc làm mới tốt.
Phát huy tinh hoa của hai nền y học
Ưu điểm của nền “y học thuốc ta” là vận dụng sáng tạo triết học cổ phương đông vào chẩn trị. Vì thế, các thầy thuốc đông y luôn có cách nhìn người bệnh toàn diện, từ đó có sự điều chỉnh, nâng cao sức đề kháng của cơ thể nhằm khắc phục bệnh tật; rất phù hợp với yêu cầu phòng trị nhiều bệnh lý mạn tính hiện nay.
Đặc biệt, thuốc và các biện pháp không dùng thuốc (dưỡng sinh, châm cứu xoa bóp, ẩm thực trị liệu…) đều có nguồn gốc tự nhiên, vốn quen thuộc, thân thiện với con người và luôn có sẵn ở mọi lúc mọi nơi, phần lớn ít độc, ít tác dụng phụ.
Dĩ nhiên, y học cổ truyền cũng có những hạn chế, đó là phần lớn các công cụ chẩn đoán, điều trị còn thô sơ, chưa được tiêu chuẩn hóa; phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm cá nhân và biến đổi của điều kiện thiên nhiên. Đó cũng là lý do vì sao cho đến nay y học cổ truyền vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu ứng dụng rộng rãi, hiệu quả và kịp thời trong phòng trị các bệnh lý cấp tính,cấp cứu, lây nhiễm rộng và nhanh.
Y học hiện đại nhờ ứng dụng những thành quả công nghệ khoa tiên tiến của nhân loại với các trang thiết bị hiện đại, các hóa dược mạnh, có thể chẩn đoán, can thiệp, điều trị kịp thời, có hiệu quả cao các bệnh lý cấp cứu, ngoại khoa, cấp tính, truyền nhiễm… thậm chí nếu cần thiết có thể cấy ghép, thay thế các bộ phận bệnh lý.
Tuy nhiên, hạn chế của y học hiện đại lại chính là việc người bệnh, thậm chí cả thầy thuốc dễ bị rơi vào tình trạng lạm dụng thuốc. Các dược chất bị lạm dụng vốn chưa từng có trong tự nhiên, xa lạ với cơ thể con người, đã và đang gây nhiều tác hại cho sức khỏe nhân loại…
Ngoài ra, sự phát triển quá nhanh, quá sâu của các chuyên khoa hẹp cũng là điều kiện thuận lợi cho khuynh hướng chỉ quan tâm tới chữa bệnh đơn thuần, coi nhẹ việc chăm sóc nhằm cải thiện khả năng tự điều chỉnh, tích cực, chủ động bảo vệ sức khỏe của người bệnh.
Chính vì thế, để đạt mục tiêu nâng cao sức khỏe, an toàn, hiệu quả, hiện đại, dễ tiếp cận trong khám chữa bệnh, xu hướng của các nước là kết hợp hai nền y học một cách toàn diện, chặt chẽ. Kết hợp hai nền y học chính là một bước nâng cao của quá trình kế thừa, trong quá trình kết hợp mỗi nền y học cần chọn lọc, giữ lại những phần tinh hoa, loại bỏ, hạn chế những phần độc hại, lạc hậu, để xây dựng một nền y học thực sự vì con người, cho con người.
Các hình thức kết hợp có thể vận dụng trong khám chữa bệnh
- 1. Khám, chẩn đoán, điều trị chủ yếu bằng y học cổ truyền, kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết của y học hiện đại, giúp nâng cao tính an toàn, hiệu quả của y học cổ truyền
- 2. Khám chẩn đoán bằng cả y học cổ truyền và y học hiện đại, tùy theo mức độ, giai đoạn bệnh, để chọn lựa cách điều trị phù hợp cho từng giai đoạn, chủ yếu bằng y học hiện đại hay y học cổ truyền hoặc kết hợp cả hai
- 3. Điều trị căn nguyên ,theo cơ chế bệnh sinh bằng y học hiện đại, kết hợp thuốc,các biện pháp không dung thuốc y học cổ truyền (châm cứu, xoa bóp,bấm huyệt, nhằm hạn chế tác dụng phụ, độc hại của thuốc đặc trị, hồi phục chức năng, nâng cao chất lượng sống của người bệnh (y học cổ truyền hỗ trợ điều trị ung thư,HIV/AIDS, hồi phục chức năng sau đột quỵ….)
- 4. Điều trị căn nguyên ,cơ chế bệnh sinh chủ yếu bằng y học cổ truyền, kết hợp y học hiện đại khi có kèm theo bệnh lý cấp tính ,diễn biến phức tạp (nhiễm trùng nặng )…
Có thể nói, việc kết hợp hài hòa hai nền y học trong khám chữa bệnh ngoài việc mang lại lợi ích cho người bệnh, còn góp phần xây dựng cơ sở thực tiễn và khoa học để xây dựng các công nghệ cao, mới và đáp ứng nhu cầu thời đại. Việc này rất cần sự phối hợp đồng bộ ,toàn diện giữa cộng đồng và các nhà hoạch định chính sách, quản lý; lãnh đạo; các nhà đầu tư; các nhà thực hành y, dược cả cổ truyền và hiện đại.
(Sưu tầm)
PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y PHÚC THÀNH
|