-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Hạ Khô Thảo - Công năng và chủ trị
Đăng bởi Đông Y Phúc Thành vào lúc 24/06/2020
Hạ Khô Thảo
(Spira Prunella Vulgaris)
Hạ khô thảo còn có tên gọi khác là: Nãi đông, Thiết sắc thảo.
Là loài cây của các vùng Âu, Á ôn đới, phân bố ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nước châu Âu. Ở nước ta, chỉ gặp loài này ở một số nơi vùng núi ẩm mát Sapa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phú), Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và một số tỉnh khác như Hà Giang, Lai Châu, Kontum... Thường tập trung thành đám nhỏ, trữ lượng không nhiều. Có thể nhân giống bằng hạt. Sau khi trồng 75-90 ngày, cây ra hoa.
Bộ phận dùng:
- Dùng cụm hoa và quả phơi hay sấy khô (Flos Brunellae cum Fructu) của cây hạ khô thảo.
- Khi nào hoa ngả sang màu nâu, thì thu hái phần ngọn cây mang hoa, mang về phơi hoặc sấy nhẹ đến khô.
Tên khoa học: - Prunella vulgaris L.
Thuộc họ: Hoa môi - Lamiaceae.
Tính vị: vị đắng, cay; tính hàn.
Quy kinh: quy vào kinh can, đởm.
Công năng: Thanh can hỏa, hoạt huyết, lợi niệu
Chủ trị:
- Trị đau mắt hay chảy nước mắt, kèm đau nửa đầu
- Trị tràng nhạc (lao hạch), bướu cổ, sưng vú, viêm tử cung và âm hộ
- Huyết áp cao; viêm thần kinh da
- Lở ngứa mụn nhọt, hắc lào, vẩy nến
- Tiểu tiện ít không thông, bí tiểu, đái buốt, đái rắt, đái ra máu
- Sốt, viêm gan virus
- Rong huyết, chấn thương (đắp ngoài)
Thành phần hóa học:
Hạ khô thảo chứa alcaloid tan trong nước, 3,5% muối vô cơ, tinh dầu. Trong các muối vô cơ có chủ yếu là kali chlorua. Tinh dầu chứa d-camphor (khoảng 50%) a- và Dfenchon, vết của alcol fenchylic. Chất đắng là prunellin (trong đó phần không đường là acid ursolic; còn có denphinidin cyanidin. Ở Pháp, người ta đã xác định trong cây có nhựa chất đắng, tanin, tinh dầu, chất béo, lipase, một glucosid tan trong nước (0,70g/kg cây khô) và một saponosid acid (1,10g).
Hàm lượng: 10 – 20g/ngày
Cách dùng:
- Sắc uống
- Dùng ngoài không kể liều lượng
Tác dụng dược lý:
- Tác dụng hạ áp: Sử dụng Ethanol, dịch ngâm và thuốc sắc của dược liệu cho động vật thực nghiệm đều nhận thấy tác dụng hạ huyết áp rõ rệt.
- Tác dụng chống viêm: Tiêm thuốc vào bụng của chuột con nhận thấy có tác dụng chống viêm.
- Tác dụng kháng khuẩn: Nước sắc từ hạ khô thảo có tác dụng ức chế trực khuẩn lao, khuẩn cầu chùm, trực khuẩn biến dạng, trực khuẩn đại tràng, vi khuẩn phẩy hắc loạn, trực khuẩn lỵ và trực khuẩn thương hàn.
- Tác dụng chống ung thư: Thực nghiệm nước đầu cho thấy nước sắc của dược liệu có tác dụng ức chế quá trình tăng trưởng của tế bào ung thư di căn.
Lưu ý:
- Hạ khô thảo bắc khác với hạ khô thảo nam (cải ma, cải trời) thuộc họ Cúc.
- Không dùng cho các trường hợp vị âm hư do dược liệu có khả năng kích thích dạ dày. Nếu dùng, cần gia thêm bạch truật và đảng sâm.
- Không sử dụng hạ khô thảo cho phụ nữ mang thai.