Giờ làm việc: Thứ 2->Thứ 6: 14h-19h (Thứ 7-Chủ nhật: 09h-19h)

038.605.2900 - 090.421.9595

Quế Chi - Công năng và tác dụng

Đăng bởi Đông Y Phúc Thành vào lúc 05/04/2020

QUẾ CHI

(Ramulus cinnamon)

Công năng và tác dụng của quế chi

Bộ phận dùng:

Cành con thu vào mùa xuân của một số loài quế. Ví dụ: quế Thanh Hóa, quế Trung Quốc,…

Vỏ thân cành to thì được gọi là quế nhục, điều trị bệnh hàn thuộc lý. Còn quế chi là cành nhỏ điều trị bệnh hàn thuộc biểu.

Tên khoa học: Cinnamomum cassia Presl

Thuộc họ: long não (Lauraceae)

Quế chi thuộc chương thuốc giải biểu, và nằm trong nhóm thuốc phát tán phong hàn.

Tính vị: vị cay, ngọt, tính ấm.

Quy kinh: quy vào kinh phế, tâm, bàng quang.

Công năng: Phát hãn giải cơ, ôn kinh, hành huyết lợi niệu.

Chủ trị: 

  • Tán hàn giải biểu: chữa cảm mạo phong hàn; nếu bệnh nhân không ra mồ hôi (biểu thực) có thể dùng bài Ma hoàng thang gồm các vị: ma hoàng, quế chi, hạnh nhân, cam thảo; nếu bệnh nhân ra mồ hôi (biểu hư) có thể dùng bài Quế chi thang gồm các vị: quế chi, cam thảo, bạch thược, sinh khương, đại táo.
  • Ôn thông kinh mạch: Trị các bệnh đau nhức xương khớp do phong hàn xâm phạm, thấp trệ làm tắc trở kinh mạch. Có thể phối với phòng phong, bạch chỉ.
  • Thông dương lợi thủy: Chữa phù nề do dương khí bị ứ trệ; hoặc dùng trong chứng đàm ẩm khí huyết lưu thông kém.
  • Hành huyết giảm đau: chữa thống kinh, bế kinh, đau dạ dày, đau đại tràng co thắt do lạnh.

Hàm lượng:  4-20g/ngày. 

Tùy vào chứng trạng của bệnh nhân mà gia hàm lượng cho phù hợp.

Bào chế: cành quế làm ẩm, cắt ngắn, phơi âm can cho khô. Phơi âm can là phơi chỗ mát, thoáng gió, không nắng.

Lưu ý: những người có chứng thấp nhiệt, âm hư hỏa vượng, các chứng xuất huyết, phụ nữ có thai không được dùng.