-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Khương Hoạt - Công năng và chủ trị
Đăng bởi Đông Y Phúc Thành vào lúc 21/06/2020
Khương Hoạt
(Radix Notopterygii)
Khương hoạt còn có tên gọi khác là: Xuyên khương hoạt, Khương thanh, Hồ vương sứ giả.
Cây mọc ở Trung Quốc, nhiều nhất ở Thanh Hải, Cam Túc và Tứ Xuyên. Loài thực vật này đã được di thực vào nước ta nhưng chưa được trồng rộng rãi.
Bộ phận dùng:
- Dùng rễ của cây Khương hoạt (còn gọi là Xuyên khương).
- Chọn rễ khô, to, đầu cứng và thịt nâu đậm. Sau khi đào rễ lên, cắt bỏ các rễ con, sau đó sấy hoặc phơi khô dùng dần. Hoặc có thể tẩm nước cho mềm, sau đó thái thành phiến mỏng rồi đem phơi khô.
Có 2 loại là tằm khương và điều khương:
- Tằm Khương: là thân rễ ở dưới đất của cây Khương hoạt, giống hình con Tằm, hình trụ tròn hoặc hơi cong, dài 3,3-10cm, đường kính 0,6-2cm. Phần đỉnh có gốc của thân cây, mặt ngoài mầu nâu, có nhiều đốt vòng chi chít lồi lên, trên đốt có nhiều vết nổi lên như cái bướu. Chất nhẹ, xốp, dễ bẻ gẫy, mặt gẫy không phẳng, có văn hoa, rỗng, lớp ngoài da mầu đỏ nâu, ở giữa mầu trắng vàng nhạt, có điểm chấm đỏ. Có mùi thơm đặc biệt, vị hơi đắng, tê.
- Điều Khương: là rễ Khương hoạt, hình trụ tròn hoặc phân nhánh, dài 3,3-16,6cm, đường kính 0,3-1,6cm. Mặt ngoài mầu nâu, có vân dẹt và vết cắt của rễ tơ nổi lên như cục bướu. Đoạn trên hơi to, có đốt tròn thưa lồi lên. Chất xốp, dòn, dễ bẻ gẫy, mặt gẫy không thấy rõ điểm chấm đỏ. Mùi vị hơi nhẹ, thoang thoảng.
Tên khoa học: Notopterygium incisum Ting.
Thuộc họ: Hoa tán – Apiaceae.
Tính vị: vị cay, đắng; tính ấm.
Quy kinh: quy vào kinh bàng quang, can, thận.
Công năng: Phát tán phong hàn, trừ phong thấp, chỉ thống.
Chủ trị:
- Tán hàn giải biểu, dùng khi cảm mạo phong hàn, đau đầu, toàn thân đau mỏi.
- Trừ thấp chỉ thống: dùng để chữa bệnh phong thấp, đau nhức xương cốt, đau dây thần kinh, đau cơ do lạnh.
Thành phần hóa học:
Dược liệu chứa thành phần hóa học rất đa dạng, bao gồm Angelical, Cinidilin, Bergapten, Isoimperatorin, 5-Hydroxy-8, Demethylfuropinnarin, Marmesin, Columbiananine, Phenethylferulate, Dodakenetin,…
Hàm lượng: 4 – 12g/ngày
Cách dùng:
- Sắc uống
- Ngâm rượu
Tác dụng dược lý:
Tác Dụng Kháng Khuẩn: có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của vi khuẩn lao
Lưu ý:
Những người huyết hư không do phong hàn thì không nên dùng vì vị thuốc mang tính ôn táo dễ hao tổn tân dịch.
Dùng tốt trong các chứng đau nhức xương khớp từ thắt lưng trở lên.